Tìm kiếm

Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

Bụi vết tháng năm


Cuộc đời mỗi người là xâu chuỗi dài của những câu chuyện. Nếu nhìn kỹ vào những ngóc ngách, chi tiết của nó dưới những ngòi bút tài hoa, bạn hẳn sẽ ngạc nhiên rằng chẳng tiểu thuyết nào, chẳng hư cấu nào tạo được nổi những câu chuyện thú vị như thế. Cuộc sống tự thân nó hay hơn tất cả. Tự truyện “Bụi vết tháng năm” của Trọng Huân là một trong những cuốn sách như vậy.

Huân không viết hồi ký. Tuổi anh cũng chưa phải tuổi người ta ngồi tổng kết cuộc đời. Anh còn nhiều câu chuyện để kể, nhưng hãy tạm dừng ở tuổi trên 50 với tự truyện - một thể loại đặc biệt thích hợp với chất của anh.

Điều làm tôi đặc biệt thích thú khi đọc “Bụi vết tháng năm” là Huân có thể không phải là hết lòng với mọi điều trong cuộc sống, nhưng anh thật sự hết lòng với những gì có xung quanh anh, ngay trước mắt anh, bên cạnh anh, cái anh có. Anh không có những quan hệ sa lông với giới văn chương, hay chính trị. Không có nhân vật tiếng tăm hay đầy rẫy xì căng đan trong cuộc đời anh cũng như trên trang sách của anh để làm sang cho tự truyện của mình. Huân không chạy theo bất kỳ cái gì, anh chỉ sống thành thật, hết lòng, rung động với những điều thật sự bên cạnh anh, của anh thôi. Nên trong tự truyện của Huân có đầy đủ ông bà, cha mẹ, anh em, ông bác, bà dì đến chuyện vợ, con, đồng nghiệp, bạn học, hàng xóm, những người cùng khu phố… Có cảm giác như anh không chủ đích kể, chỉ là những dòng ký ức của một người sống cuộc sống nhỏ thôi, khiêm tốn thôi, nhưng thật sự, hết lòng, cứ tuôn chảy tự nhiên, duyên dáng, hài hước dưới ngòi bút của anh.

Cũng như những người thế hệ anh và trên anh, Huân sinh ra và lớn lên vào cái thời mà con người chỉ biết có đói nghèo, cải cách ruộng đất, cái thời ngăn sông cấm chợ… cho đến cái thời lương tháng chỉ đủ ăn hai, ba ngày đã hết, cả khu tập thể có độc một cái nhà vệ sinh… rồi tới nhà nhà kiện nhau vì xây nhà, rồi nhà nhà đồng loạt xây nhà… Có ai sống qua và nhớ lại những giai đoạn ấy mà lòng không một chút tự vấn, ai oán, rằng sao thế mà sống được nhỉ? Nhưng, Huân thật sự khác. Anh kể quá khứ không phải để ghét, để trách ai. Anh yêu những gì đã qua, cho dù nó xấu đẹp.

Trong những câu chuyện về ngày xưa, chú bé Huân chỉ sống hết lòng, cặn kẽ quan sát, mà không một câu hỏi “tại sao”. Có lẽ “tại sao” làm chú đau khổ, hay không có “tại sao” trong tự truyện của Huân vì cuộc sống ấy nó đã trôi qua rồi, nó là quá khứ, ta chấp nhận nó, ta cười để quá khứ nặng nề nhẹ nhàng qua đi. Đúng là Huân đã cười. Những câu chuyện nhức nhối như chuyện chết đói năm 45, đói ăn, cô đồng, chuyện phong bì, chuyện tham nhũng, chuyện nghề báo… dưới ngòi bút của Huân chỉ làm ta thấy thật là hài. Thậm chí chuyện đồng nghiệp xấu, dốt, chuyện mẹo mực trong nghề, thiếu trung thực, đạo đức giả trong nghề báo… Huân kể cũng chỉ khiến ta cười, chứ không giận, không tức tối, lên án những gì đã qua, câu chuyện đã qua, con người đã qua. Và tôi nghĩ rằng đấy chính là cái tài, cái đáng yêu và đáng trân trọng của Trọng Huân. Anh đã nhìn cuộc sống bằng con mắt thật sự bao dung và nhân hậu.

Điều đặc biệt nữa trong tự truyện của Trọng Huân là anh không tự đặt mình ra ngoài, hay cao hơn những chuyện dở, chuyện xấu của thiên hạ. Khalin Jibran, nhà hiền triết Mỹ gốc Trung Đông nói, đại ý rằng, khi một kẻ bị xét xử, bạn không phải vô can. Huân cũng vậy. Anh cười mọi thứ, nhưng trên nhiều trang sách anh dám cười chính anh. Anh cười chú bé Huân ăn vụng, uống rượu vụng, cười anh nhà báo Huân chen chúc đi mua vé xe buýt bằng thẻ nhà báo chẳng kịp để ý đến cụ già bị kẻ cắp móc sạch bên cạnh, cười mẹo mực nghề báo mà anh cũng không thoát, cười chuyện luồn lách xây nhà, cười chuyện vợ chồng anh dạy con… Có lẽ chỉ có rất ít người viết dám ngầm đưa một cái thông điệp như anh: Cái khó làm méo mó con người, và là con người, Huân tôi ít nhiều cũng thế!

Trọng Huân dành nhiều trang để viết về nghề báo và đồng nghiệp. Đây quả thực là một lĩnh vực đầy rẫy chuyện bi hài mà người ta khó mà nói tốt về nhau. Nhưng ngay cả ở đây, Trọng Huân vẫn giữ cái nguyên tắc, hay đúng hơn là cái chất của anh: Chỉ cảm nhận sự việc, chỉ kể chuyện, không lên án, không phán xét, không trách móc, bất quá chỉ là “thôi dơ quá, nói chuyện khác đi”.

Khi mà hồi ký và các loại tự truyện xuất hiện ngày càng nhiều, và ở những kẻ công thần, hầu hết đều vô tình hay hữu ý được PR bằng mấy chi tiết kết án, hay kể xấu một, hay nhiều người có tiếng nào đó để thu hút sự chú ý của bạn đọc, “Bụi vết thời gian” của Trọng Huân xuất hiện thật thanh khiết, khiêm tốn, như tự viết cho mình, đôn hậu, chân thành, không một lời oán trách, đầy nhân ái và hài hước. Nhưng với người đọc, chính đó là điều đã tạo nên giá trị thật của “Bụi vết tháng năm” của Trọng Huân.

Người giới thiệu: Nguyễn Điệp Hoa

PS: Sách có bán tại Gigabook - nhà sách online (www.gigabook.vn) và các nhà sách trên toàn quốc

Bố già


Xuất bản năm 1969 với 11 triệu bản in được bán sạch, là quyển tiểu thuyết hay nhất viết về giới giang hồ, giới Mafia tại Mỹ. Thật nhiều lời khen chê về nó. Và như vẫn thường xảy ra ở Mỹ, mọi quyển sách “best-seller” đều được quay thành phim. “The Godfather” đã được hãng Paramount dựng thành phim, tài tử lừng danh Marlon Brando thủ vai chính, và cũng nhanh chóng trở thành cuốn phim ăn khách nhất lúc bấy giờ.

Trong tiểu thuyết của Mario Puzo, “Bố già” là Ông trùm Don Vito Corleone, người gốc Sicily, một trong những thủ lĩnh tối cao của giới Mafia Mỹ. Kẻ thù căm ghét ông, khiếp sợ ông, khinh bỉ ông; ông như con rắn hổ mang nguy hiểm có đôi mắt chứa đựng một uy lực tối thượng nhìn thấy hết, biết hết, làm được hết. Nhưng đối với bạn bè, thân quyến, “Bố già” gần như là một đấng toàn năng có thể cứu họ thoát khỏi những thế kẹt và nỗi oan ức mà ngay cả luật pháp cũng chẳng gỡ được. Ông đúng là “Mafia” theo cái nghĩa nguyên thủy của nó thuở ban đầu hình thành, nơi ẩn náu.

Sự toàn năng tối thượng của “Bố già” một phần do cái dũng trí khác thường của ông đem lại, phần khác là do những đồng đô-la trong tài sản đồ sộ của ông tạo ra.

Balzac đã viết: “Đằng sau mọi gia sản kếch sù là một tội ác”. Đó cũng chính là câu mà Mario Puzo đã trích dẫn ở đầu chương I của tiểu thuyết như lời bình giới thiệu nhân vật “Bố già” của mình. Ông còn cẩn thận ghi chú thêm: Tất cả nhân vật trong truyện đều là hư cấu, và bất kỳ sự trùng hợp nào nếu có… đều là ngẫu nhiên. Ngày nay, chúng ta hiểu được sự thận trọng của tác giả khi viết lời ghi chú đó. Tiểu thuyết của ông quả thực đã dựa trên những chi tiết có thực về những con người có thực.

Nhiều tư liệu gần đây về Mafia và “The Godfather” cho chúng ta biết rằng nhân vật “Bố già” ngoài đời chính là Don Vito Cascio Ferro, một trong những thủ lĩnh quan trọng đầu tiên của giới Mafia Ý di cư sang Mỹ. Ông cầm đầu giới giang hồ ở Sicily, và sau đó thống lãnh nhóm “Mano Nero” (Bàn tay đen), một nhóm chuyên tống tiền và cưỡng đoạt. Nhóm này chính là tiền thân của giới Mafia Mỹ, hiện nay được gọi là tổ chức “La Cosa Nostra” (Chuyện làm ăn của chúng ta). Những người nghiên cứu về vấn đề Mafia viết rằng cách đây hơn 50 năm, trong bè đảng của Don Vito Cascio Ferro đã sản sinh ra các thủ lãnh Mafia mới ở Mỹ và họ đã du nhập những ngành làm ăn bất chính vào Mỹ rồi phát triển chúng lên.

Ngoài “Bố già” thực Don Vito Cascio Ferro, trong truyện còn có một nhân vật thực khác rất thú vị. “Kép” Johnny Fontane lại chính là Frank Sinatra, ca sĩ và tài tử nổi tiếng của Mỹ trong thập niên 60, bạn thân của Tổng Thống Reagan và là một trong những nghệ sĩ Mỹ giàu nhất hiện nay.

… Tuy Mario Puzo vẽ lên những nhân vật tiểu thuyết là cái bóng phản của ông X, ông Y… sừng sỏ có thực ngoài đời như đã dẫn ở trên, những điều ông tiết lộ chẳng phải là cái gì khiến độc giả bàng hoàng, sửng sốt lắm. Ngay cả những cảnh bạo lực, bắn giết trong truyện cũng vậy. Họ thích thú đọc, hồi hộp theo dõi, và dường như sẵn sàng tin vào tính chất xác thực của nó. Tin dễ dàng. Tin thanh thản. Báo chí Mỹ ngày ấy viết rằng tuy có rất nhiều máu chảy trong “Bố già”, nó dường như lại bao phủ lên giới giang hồ một màu sắc lãng mạn nào đó. Trong khía cạnh này thì “Bố già” cũng giống phần lớn các sách, phim Mỹ viết về đề tài các tổ chức tội ác. Các nhân vật chính trong đó không chỉ là bọn găng-tơ, hay găng-tơ mại bản, mà còn mang dáng dấp của một anh hùng, một thần tượng. Họ có những cá tính độc đáo, họ sống trong những gia đình quyền quý xây dựng trên một nền tảng gia tộc chặt chẽ, vợ họ sùng đạo và cương trực, v.v… Hơn hết, người viết không lên giọng miệt thị tố cáo giới giang hồ, cái mầm độc gây nguy hại cho xã hội Mỹ. Bằng một cách nào đó, người đọc hay người xem được cho thấy rằng tội ác rõ ràng không thể tiêu diệt được, nó là một bộ phận không xóa bỏ được. “Thời Báo” đã có lần nhận xét: chính sự lãng mạn hóa các ông Trùm Mafia và giới giang hồ đó đã khiến cho nó trở thành một hiện tượng xã hội chấp nhận được và giúp nó phát triển.”

Phải chăng Mario Puzo chỉ dừng lại ở chỗ lãng mạn hóa một ông Trùm Mafia và những sự kiện bạo lực ác liệt chung quanh ông Trùm đó? Xây dựng nhân vật dựa trên những chất liệu có thật, ông đã tiểu thuyết hóa các con người thật dưới những nét miêu tả chân chất. Và chúng ta cũng không quên chủ định của tác giả ẩn sau câu trích dẫn đầu quyển sách: “Đằng sau mọi gia sản kếch xù là một tội ác.”…



Người giới thiệu: Thạch Thảo


PS: Sách có bán tại Gigabook.vn

Ma thổi đèn


Như bị lây từ cơn sốt “Mật mã Da Vinci”, một bộ phận người Trung Quốc trẻ trở nên mê mẩn và có phần quá khích trước những tiểu thuyết có yếu tố thần bí. Những tiểu thuyết kinh dị xuất hiện trên các trang web văn chương ngày càng được nhiều người tìm đọc. Các cuốn sách ăn theo văn chương mạng liên tục ra đời. Nhiều tác giả trẻ nghiệp dư bỗng chốc trở nên nức tiếng.

Cuối năm 2006, “Quỷ xuy đăng” (Ma thổi đèn) có thể nói đã mở ra một trường phái tiểu thuyết mạng mới ở Trung Quốc - “phái đào mộ”. Tác phẩm đã thu hút hơn 360 vạn lượt người đọc trên mạng; và khi xuất bản thành bốn tập sách, thì lượng sách bán ra hiện nay đã là hơn 50 vạn bản. Những tiểu thuyết kinh dị cùng đề tài như “Mộ quyết, “Bút ký đào mộ”… cũng nhanh chóng ra đời, khiến “phái đào mộ” vụt lên làm mưa làm gió trên các trang web và giá sách.

“Ma thổi đèn” là một trong những tên sách thuộc thể loại truyện kinh dị bán chạy, người ta cơ hồ phát cuồng với những sự vật thần bí trong đó, mà theo như lý giải của tác giả thì những câu chuyện bí hiểm kỳ quái ấy dường như có thể khiến người ta tạm thời thoát khỏi áp lực của thế giới hiện thực, để được thư giãn về tinh thần.

Theo giải thích của tác giả thì tên sách chỉ đơn giản là lấy từ truyền thuyết “Nhân điểm chúc, quỷ xuy đăng” (Người thắp nến, ma thổi đèn), ý nghĩa đại khái là khi vào trong mộ cổ, đầu tiên cần thắp một ngọn nến ở phía đông nam của hầm mộ rồi mới có thể mở quan tài, nếu nến tắt thì phải nhanh chóng thoát ra và không được mang đi bất cứ vật gì. Tương truyền, đây là một khế ước giữa người sống và người chết đã được người xưa định ra, truyền thừa trăm năm, không được phá lệ.

Dù là thắp đèn trong mộ cổ, thì cũng không khỏi liên can tới đề tài đài mộ, câu chuyện đại khái thế này: trong nhà nhân vật chính Hồ Nhất Bát có một cuốn sách gia truyền có tên “Lục tự âm dương phong thủy mật thuật” (6 chữ - Phép thuật bí ẩn về âm dương và phong thủy), ban đầu ông không quan tâm lắm tới cuốn sách này, nhưng về sau, khi đã trở thành một thanh niên trí thức lên núi xuống làng, đi nhầm vào mộ cổ đông bắc, nhân vật chính mới ý thức được rằng, người xưa lựa chọn đất xây lăng mộ là dựa trên phong thủy. Dựa vào cuốn sách này, ông cùng bạn thân là Hồ Bạng Tử dần dần trở thành những kẻ đào mộ, khi vào cứ địa bí ẩn dưới lòng đất của Quan Đông Quân tại Cổ Cốc Vân Nam, Mê Dao, Long Lĩnh, Thiểm Tây… dần dần đã lật mở được bí mật của thành Tinh Tuyệt của nước cũ Tây Vực.

“Ma thổi đèn” có thể nhanh chóng thành công như vậy, hoàn toàn nhờ ở đề tài đặc biệt của nó - đào mộ, trước đây, không có mấy người có thể kể kỹ lưỡng như vậy, không có một truyền thuyết nào đủ đầu đủ đuôi, đủ thanh đủ sắc về đề tài này. Đào mộ, hầm mộ, kiếp trước, phong thủy, truyền kỳ, ma quỷ… mãi mãi là những yếu tố khiến người ta hiếu kỳ và mê mẩn. Rất nhiều bạn đọc trên mạng cho rằng, điểm tuyệt nhất khi đọc cuốn sách này là độc giả có thể hoàn toàn nhập cuộc.

Những nội dung khác

Thiên Hạ Bá Xướng tên thật là Trương Mục Dã, 33 tuổi, người Thiên Tân. Anh vốn học ngành mỹ thuật, song không phát triển được ở lĩnh vực này, từng đi làm ăn khắp các tỉnh thành trong nước, sau đó góp vốn với bạn bè mở công ty tài chính, rồi một cơ hội ngẫu nhiên đến, anh bắt đầu viết tiểu thuyết Ma thổi đèn, gây tiếng vang lớn trong cộng đồng cư dân mạng. Trong tác phẩm đứng đầu 10 tiểu thuyết mạng được tìm kiếm nhiều nhất năm 2006 này, anh kể lại những câu chuyện “trộm mộ” lôi cuốn, khiến cho rất nhiều bạn đọc tò mò, thậm chí nghi ngờ, không biết anh có phải là một mô kim hiệu úy (người trộm mộ) không. Anh phải thanh minh một cách hóm hỉnh rằng: “Tất cả những chuyện đó đều do tôi bịa ra cả. Bản thân tôi nào đã trộm mộ bao giờ, ngay cả Thập tam lăng cũng chưa từng tới tham quan ấy chứ”.

Từ thế giới ly kỳ, quái dị dưới lòng đất ở tám tập Ma thổi đèn đến lũ "mèo dị hợm" trong tác phẩm mới nhất Mèo giặc, những trải nghiệm trong đời thực của Trương Mục Dã cơ hồ chẳng liên quan gì đến sách anh viết ra cả. Và dẫu rằng được hàng chục triệu bạn đọc trên mạng say mê, song anh không tự đề cao tư chất nhà văn hay nghệ thuật sáng tác của mình, cũng như chưa muốn biến việc viết văn trở thành một nghề chuyên nghiệp.



Người giới thiệu: Thạch Thảo


PS: Sách có bán tại Gigabook - nhà sách online (gigabook.vn)

Những mối tình nực cười


Giống như khi nhìn vào những ký họa bằng bút chì hay bút sắt của một họa sĩ lớn, các câu chuyện ở đây cấu trúc giản dị và rõ ràng, với lời kể nắm bắt lấy những đường nét chủ yếu một cách hết sức tự nhiên không một chút rườm rà, bất định hay ngập ngừng.

“Nhẹ”, để mượn lại hàm ý trong cái tên tiểu thuyết Đời nhẹ khôn kham của Milan Kundera.

Và với tôi đây là một sự khám phá lại, bởi cách nay không lâu trong một cuộc trò chuyện, dịch giả Cao Việt Dũng cũng đã nói đến quan niệm độc đáo của M. Kundera về “tính nhẹ” (của cuộc đời; và của văn chương nữa chăng?)

Như “những quả tạ bằng giấy” (tr.325, Edouard và Chúa) - cái cảm nhận của nhân vật Edouard về những gì, tất cả, mà trước lúc được Alice người tình trao thân, anh đã nghĩ là nghiêm túc.

Mà lại không phải không có gì nghiêm túc. Hoàn toàn không phải như vậy. Nhưng qua một cuộc phiêu lưu cả về ý tưởng và hành động, một cuộc phiêu lưu vì ái tình (người kể chuyện cũng sẽ nói rõ luôn: vì khao khát tình dục) rốt cục khiến Alice sắt đá sùng đạo thành ra vui mừng tự nguyện thông dâm với anh, Edouard phát hiện một tính ngẫu nhiên khủng khiếp: “Rằng các ý nghĩ của Alice trên thực tế chẳng qua chỉ là một điều gắn lên số phận cô, và số phận cô chẳng qua chỉ là một điều gắn lên cơ thể cô… sự chắp ghép phi hữu cơ, võ đoán và không bền chắc” (tr.322, Edouard và Chúa).

Thế là Edouard bỗng tách được khối lượng ra khỏi những quả tạ trên đời?

Tuy nhiên tôi không định nói vì thế mà nó Nhẹ, không định nói rằng đó là Nhẹ.

Chúng ta sẽ quay lại với Edouard và Chúa sau.

Cảm thức về một tính nhẹ toát lên từ toàn bộ tập truyện gồm bảy câu chuyện này, mà truyện về Edouard xếp sau cùng hầu như có ý đưa ra một phán xét sau hết.

Không phải một thứ niềm vui nhẹ nhõm nào, cũng không phải một cảm giác vơi bớt nhẹ lòng (ngược lại thì đúng hơn!), và không phải nỗi khoan khoái khinh bạc với “tục lụy” (cơm no bò cưỡi!).

Cảm giác về Nhẹ toát lên từ tính chất minh bạch thấu suốt của truyện kể và của lời kể.

Giống như khi nhìn vào những ký họa bằng bút chì hay bút sắt của một họa sĩ lớn, các câu chuyện ở đây cấu trúc giản dị và rõ ràng, với lời kể nắm bắt lấy những đường nét chủ yếu một cách hết sức tự nhiên không một chút rườm rà, bất định hay ngập ngừng. Đó là những kiến trúc và những bức tượng cẩm thạch ta sẽ thấy ở Athens.

Toàn bộ toát lên sự trang nhã.

Có lẽ tôi cần nói rõ hơn: sự trang nhã ở đây là sự kết hợp giữa cái đẹp và tính hiệu quả; cái đẹp của từ chương và tính hiệu quả của nghệ thuật kể chuyện.

Tìm cách định nghĩa như vậy thì sẽ rơi vào một lỗi trùng ngôn. Nhưng đấy lại chính là điều ta phải nói đến.

Không chỉ một đôi lần người ta đã thấy điều được thức nhận như một cảm giác lại tiềm tàng khả năng hóa ra cái gọi là sự đánh lừa của cảm giác.

Sự trang nhã, vẻ trang nhã thường gieo cảm nhận nó là Nhẹ.

Nhưng cái trang nhã lại là một tập hợp những sự tuân thủ quy tắc, theo quy luật. Không có cái trang nhã ở bên ngoài diện trường của các quy luật và quy tắc.

Vậy thì tính nhẹ ở đây là một biểu hiện nghịch lý.

Nghịch lý thú vị nhất là khi nó vang lên như một sự hiển nhiên.

Trong truyện Chơi trò xin đi nhờ xe, một đôi tình nhân trẻ trên đường đi nghỉ mát bỗng tự rơi vào trò chơi một cô gái vẫy xe dọc đường rồi để cho tay lái xe quyến rũ; những biến chuyển nội tâm do lòng ghen tuông và nghi ngờ tình ái trỗi dậy một cách tiêu cực, đẩy cả đôi cuốn mình vào trò chơi không dứt ra được, cho đến kết cục làm tình với nhau trong vai kẻ quyến rũ với người-để-cho-quyến-rũ. Trò đùa miễn cưỡng đã hạ màn bẽ bàng, cô gái “nức nở gọi anh bằng tên riêng và nói: “ Em là em, em là em…” (…) nhắc đi nhắc lại thật lâu cái thứ trùng ngôn đầy xúc cảm ấy: “Em là em, em là em, em là em…”” (tr.122-123).

Người kể chuyện đã nói rồi - đó là cái xa lạ được định nghĩa bằng chính cái xa lạ (tr.123).

Cái mệnh đề trùng phức trong khẳng định tuyệt vọng Em là em đó trước hết là vô nghĩa: như một thí dụ chỉ về ngữ pháp, không tạo sinh một nghĩa gì (tất nhiên, ta chưa nói về ý nghĩa).

Nhưng nó vang lên hiển nhiên: đây là em, em đây mà! Đồng thời nó hàm chứa một sự phủ nhận rằng đã có cái Em không là em; cho nên phải cần đến một sự khẳng định lại, mà thật sự là nghịch lý, bởi không có một liên hệ nào để chuyển cái Em không-phải-là-em thành cái em là em được.

Cả câu chuyện là kể về cái mối liên hệ không thể có ấy. Xét trên bình luận đó, nó là một trùng ngôn: Trò chơi là Trò chơi.

Trùng ngôn như là một định nghĩa, tối giản và chặt chẽ đến buồn cười. Nhưng đó là khía cạnh để ta nói đến ở đây: nó là một liên hệ thay thế - giải thích một ngữ đoạn này bằng một ngữ đoạn khác, mà trong mệnh đề trùng phức thì đó là sự thay thế mà không tạo nghĩa (tức không có thay đổi).

Tuy nhiên ta đã nói đến nghịch lý: cô gái tự thay thế mình vào vai một em-đi-nhờ-xe, để anh người yêu cô thay thế mình vào vai một gã-lái-quyến-rũ; “chơi trò xin đi nhờ xe” họ chơi trò định nghĩa về mình; và rồi, như đã dẫn ở trên, trò đùa thay thế làm phát lộ cái xa lạ, và cái xa lạ sẽ không thể có mối liên hệ thuận - nghịch với chủ ngữ ban đầu của nó được nữa; em thành “xa lạ”, mà “xa lạ” không thể thành Em.

Người ta có thể cho rằng những mối quan hệ bị quy định chặt chẽ trong lớp lớp những trùng ngôn ở đây chỉ là thuộc phạm trù ngữ pháp, cú pháp hay thậm chí là phạm trù ngữ nghĩa, tóm lại là những liên hệ văn bản.

Song câu chuyện đã không tảng lờ hay làm ra vẻ ngẫu nhiên về đặc điểm đó: các địa danh trong truyện đều định vị bằng danh từ riêng trong khi tất cả các nhân vật đều chỉ là những đại từ nhân xưng vừa mô tả vừa quy định - “anh”, “em”, “tôi”, “cô”, “người đàn ông đằng kia”, “một thằng cha”…

Và cái tên riêng bị tẩy xóa triệt để: “anh nghiêng người sang phía cô, vòng tay ôm lấy vai cô và, muốn hủy bỏ trò chơi, dịu dàng thì thầm tên cô” (tr.101).

Cô ấy cũng đến lượt gọi anh bằng tên riêng (tr.122), và sự vắng mặt của những cái tên phía sau các ngữ đoạn “tên riêng” dường như nhấn mạnh vào hành động ngôn ngữ hoặc diễn ngôn về hành động, hay nói chung là có tính hành động.

Bạn sẽ thấy chính xác điều đó qua những chương đoạn minh bạch đến mức thấu suốt, không chỉ ở một truyện này, trong đó người kể chuyện tiến hành theo một mô thức: các diễn biến nội tâm - như các tác nhân của hành động - rồi diễn ngôn mang tính hành động của nhân vật.

Hãy lưu ý không có một nét thừa ra nào trong các trần thuật tự sự đó. Và không có những diễn đạt mơ hồ, lấp lửng, mập mờ hàm ý trong sự biểu đạt các tác nhân tâm lý. Tất cả đều phơi lộ vừa vặn và tinh xảo trên bình diện hiển ngôn; tất cả đều phải giải thích và đã được giải thích; nói một cách khác: tất cả đều là ngôn từ.

“Anh” và “Em”, “tôi” hay “cô” đều chỉ là những dấu nối liên kết diễn ngôn về tác nhân với diễn ngôn về hành động.

Ở đây, một thế giới trở thành văn bản, hành vi rơi vào những liên hệ trùng ngôn. Trùng ngôn không vô nghĩa, nhưng còn tệ hơn một sự vô nghĩa - nó nhân đôi hình ảnh của nhân cách (Em là em), làm phát lộ con-người-xa-lạ trong con người; và ở chỗ cái mối liên hệ không thể có giữa hai nhân cách ấy thì bản chất của nhân cách cũng trở thành không thể.

Thế giới - văn bản tiếp tục là một thế giới của Lời lẽ trong truyện Tranh biện. Ta thấy ngay ở đoạn mở đầu: “Phòng trực (tại khoa bất kỳ của một bệnh viện bất kỳ ở một thành phố bất kỳ) tập hợp năm nhân vật…” (tr.127). Ba trong số năm nhân vật đó có tên riêng - Bác sĩ Havel, cô y tá Elizabeth và bác sĩ thực tập Fleischman - còn lại là ông trưởng khoa với cái đầu hói và nữ bác sĩ xinh xắn trạc ba mươi tuổi (tr.127).

Sẽ hoàn toàn hợp lý nếu gắn hai chữ “bất kỳ” đó vào ba cái tên riêng kia: bác sĩ Havel bất kỳ, y tá Elizabeth bất kỳ…

Những cái tên thì trôi dạt, còn lời lẽ từ chúng mà ra thì ấn định.

Truyện này hiện lên dưới dạng một kịch bản (sân-khấu-đọc) ước lệ một cách đại khái nhất, với vắn tắt bảng nhân vật, phác họa khung cảnh chuyển đổi, với “Màn một”, “Màn hai”, “Màn ba”… tất cả như một thứ đường viền làm nổi bật lên những lời lẽ.

Nhưng có vẻ như lời lẽ ở đây ngầm khuyến dụ ta đừng có buộc mình vào lời lẽ, đặc biệt khi nó đầy rẫy những ngụy biện hùng hồn.

Chẳng hạn, ông trưởng khoa tinh quái bắt được tín hiệu mà Fleischman cho rằng cô nữ bác sĩ muốn hẹn hò với mình; vậy là ông ta đi ra chỗ anh bác sĩ thực tập trẻ đẹp trai khoanh tay đứng tựa vào một gốc tiêu huyền trong vườn đêm đang chờ chiến công ái tình của mình tự dẫn xác đến; và trưởng khoa bảo ông ta ra đây để tiểu tiện, vì: “Tôi thích đi tiểu ngoài thiên nhiên hơn là trong toalet hiện đại, tởm lắm. Ở đây cái tia nước mảnh màu vàng sẽ nhanh chóng và kỳ diệu hòa nhập tôi vào với đất mùn, cỏ dại và mặt đất. Bởi vì, Fleischman ạ, tôi là cát bụi, và chỉ một lúc nữa thôi, ít nhất là một phần nào đó, tôi sẽ trở về làm cát bụi. Tiểu tiện trong thiên nhiên là một nghi thức tôn giáo qua đó chúng ta hứa với đất là sẽ quay trời về, một ngày nào đó, toàn vẹn” (tr.142).

Không thể không thừa nhận đây là một cú tiểu tiện trang nhã.

Một cấu trúc lời lẽ kỳ diệu có ba đoạn hẳn hoi, đi ba bậc tam cấp phản đề-chính đề-hợp đề để một bước lên tới trời.

Người sành điệu có thể nhếch mép coi đây chỉ là một ngụy biện trống rỗng không có thực chất. Lại còn đầy những cú thổi bong bóng hùng biện.

Thì đúng rồi. Nhưng hãy xem cách thức chặt chẽ của tất cả các đoạn lập luận; hãy xem những lời lẽ “học đòi phong nhã” * một cách hoàn toàn phô trương, thông minh lồ lộ và lọc lõi tinh tế (như Ca tụng tình yêu kiểu Platon, tr.136, gợi ý không úp mở đến Bữa tiệc).

Và hãy xem toàn bộ sự hợp lý tinh tế trong “hình thức của diễn đạt” đó, những Lời lẽ đó, đối lập một cách hoàn hảo ra sao với toàn bộ nội dung của diễn đạt Tranh biện: cả một cuộc rượu phóng dật tán tỉnh, biểu hiện, bỡn cợt và khoác lác về tình ái mà nhìn chung “không có lấy một lạng sự thật” (tr.167).

Phong cách cao của hình thức, như vậy, chỉ khẳng định chính nó.

Tôi không cố tìm cách suy diễn về một trùng ngôn nữa bao trùm trong Tranh biện, nhưng nếu có thể thấy ở đây rằng Lời lẽ là lời lẽ, hình thức là hình thức, ta sẽ nhìn vào mặt chính diện của trùng ngôn này: Lời lẽ không đem đến (tạo ra) “sự thật”.

Tuy nhiên không nên coi ở đây một hàm ý nào về đạo đức.

Tranh biện hướng cái nhìn của ta vào chỗ phát giác cái vỏ nhân vị của kiếp người (bạn cứ xem, ở đó có đủ “Thời gian để yêu, thời gian để chết”) nhưng chính xác là trong cái tính nhẹ kỳ quặc của nó, bởi vì trong vũ trụ của hắn ta mọi sức nặng đều không có trọng lượng. Các khối đá đã bị biến thành lông hồng (tr.153).

Ta nên lắng nghe lời phán xét về những điều ấy ở Edouard và Chúa.

Nếu tất cả các truyện trong tập này đều có một bộ khung tiểu thuyết thì truyện về Edouard và Chúa sẽ là một tiểu thuyết dày dặn và phức tạp hơn cả.

Thảo luận một chút về tính nhẹ ở đây, trong bài viết này, tôi không có tham vọng phân tích toàn bộ và đầy đủ (tất nhiên, đầy đủ nhẹ” thôi) về tác phẩm hết sức độc đáo này.

Để tóm tắt một cách hết sức thô sơ thì: Edouard là một giáo viên trẻ ở một trường tỉnh lẻ, yêu Alice sùng đạo và trinh bạch một cách cương quyết vì sùng đạo; Edouard giả cách đi nhà thờ, tin vào Chúa để thuyết phục Alice trao thân cho mình; việc Edouard có biểu hiện theo đạo bị nhà trường phát giác; Edouard tương kế tựu kế công khai thừa nhận mình tin vào Chúa do cảm tính; bà hiệu trưởng nắm lấy cơ hội đó để nhận kèm cặp giáo dục cải hóa tay giáo viên trẻ ưa nhìn này; Edouard đành phải đi đến cùng việc cám dỗ “ hủ hóa” bà hiệu trưởng gái già độc thân; việc Edouard thừa nhận niềm tin công khai (giả trá) biến anh ta thành một anh hùng tuẫn đạo; Alice vui sướng ngưỡng mộ tự hào động lòng đồng ý trao thân…

Đến đây là đoạn tôi đã trích dẫn ở đầu bài: Edouard phát hiện tính ngẫu nhiên khủng khiếp, một cách rất “hiện tượng luận”, trong sự chắp ghép rời rạc tâm hồn và thân xác ở Alice người yêu.

Bạn có thể sẽ nhớ lại, nhân vật cô gái “chơi trò xin đi nhờ xe” cũng có một cảm thức tương tự, rằng cơ thể cô là cái gì đó rất ngẫu nhiên được đem đến cho cô.

Cái thức nhận về sự tách rời của thực thể ấy, cái cảm giác xa lạ hiện sinh ấy là một khởi đầu mà rốt cục sẽ dẫn đến câu hỏi về bản chất, vâng, bản chất của mình đấy ạ.

Ta hãy nhìn sang Edouard bằng cái mô thức ấy.

Bắt đầu bằng việc giăng ra một cái bẫy của thông tin dối trá (tr.321) rằng mình tin vào Chúa, Edouard khi đạt được các mục đích chiến thuật rồi bỗng phát hiện ra đã tự giăng bẫy chính mình: “Nhưng dù vẫn gần như chắc chắn là Chúa không tồn tại, Edouard sẵn lòng để đầu óc mình suy tư, và với một niềm hoài nhớ, ý tưởng về Chúa” (tr.329).

Thay vì sức nặng của những cơ thể (những mối tình, như Alice), những sức nặng như những quả tạ bằng giấy vì không thể tìm ra bản chất (tr.329), Edouard để cho một niềm ham muốn về Chúa (tr.329) choán chỗ. Chỉ vì nó phi bản chất (tr.329, như nhau.

Bởi vì, cho dù tôi có thể khiên cưỡng, trong ngữ đoạn Edouard và Chúa có ít nhất hai mệnh đề trùng phức: Edouard là Edouard, và Chúa là Chúa; cả hai không thể có mối liên hệ nào ngoài mối liên hệ văn bản.

Mà nghịch lý cuối cùng là bằng cách đó chúng hướng cái nhìn của ta về bản chất của nhân cách, theo cái mô thức biến những tảng đá thành lông hồng.

Nguyễn Chí Hoan

PS: Sách có bán tại nhà sách trên mạng Gigabook (www.gigabook.vn)