Tìm kiếm

Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

Bụi vết tháng năm


Cuộc đời mỗi người là xâu chuỗi dài của những câu chuyện. Nếu nhìn kỹ vào những ngóc ngách, chi tiết của nó dưới những ngòi bút tài hoa, bạn hẳn sẽ ngạc nhiên rằng chẳng tiểu thuyết nào, chẳng hư cấu nào tạo được nổi những câu chuyện thú vị như thế. Cuộc sống tự thân nó hay hơn tất cả. Tự truyện “Bụi vết tháng năm” của Trọng Huân là một trong những cuốn sách như vậy.

Huân không viết hồi ký. Tuổi anh cũng chưa phải tuổi người ta ngồi tổng kết cuộc đời. Anh còn nhiều câu chuyện để kể, nhưng hãy tạm dừng ở tuổi trên 50 với tự truyện - một thể loại đặc biệt thích hợp với chất của anh.

Điều làm tôi đặc biệt thích thú khi đọc “Bụi vết tháng năm” là Huân có thể không phải là hết lòng với mọi điều trong cuộc sống, nhưng anh thật sự hết lòng với những gì có xung quanh anh, ngay trước mắt anh, bên cạnh anh, cái anh có. Anh không có những quan hệ sa lông với giới văn chương, hay chính trị. Không có nhân vật tiếng tăm hay đầy rẫy xì căng đan trong cuộc đời anh cũng như trên trang sách của anh để làm sang cho tự truyện của mình. Huân không chạy theo bất kỳ cái gì, anh chỉ sống thành thật, hết lòng, rung động với những điều thật sự bên cạnh anh, của anh thôi. Nên trong tự truyện của Huân có đầy đủ ông bà, cha mẹ, anh em, ông bác, bà dì đến chuyện vợ, con, đồng nghiệp, bạn học, hàng xóm, những người cùng khu phố… Có cảm giác như anh không chủ đích kể, chỉ là những dòng ký ức của một người sống cuộc sống nhỏ thôi, khiêm tốn thôi, nhưng thật sự, hết lòng, cứ tuôn chảy tự nhiên, duyên dáng, hài hước dưới ngòi bút của anh.

Cũng như những người thế hệ anh và trên anh, Huân sinh ra và lớn lên vào cái thời mà con người chỉ biết có đói nghèo, cải cách ruộng đất, cái thời ngăn sông cấm chợ… cho đến cái thời lương tháng chỉ đủ ăn hai, ba ngày đã hết, cả khu tập thể có độc một cái nhà vệ sinh… rồi tới nhà nhà kiện nhau vì xây nhà, rồi nhà nhà đồng loạt xây nhà… Có ai sống qua và nhớ lại những giai đoạn ấy mà lòng không một chút tự vấn, ai oán, rằng sao thế mà sống được nhỉ? Nhưng, Huân thật sự khác. Anh kể quá khứ không phải để ghét, để trách ai. Anh yêu những gì đã qua, cho dù nó xấu đẹp.

Trong những câu chuyện về ngày xưa, chú bé Huân chỉ sống hết lòng, cặn kẽ quan sát, mà không một câu hỏi “tại sao”. Có lẽ “tại sao” làm chú đau khổ, hay không có “tại sao” trong tự truyện của Huân vì cuộc sống ấy nó đã trôi qua rồi, nó là quá khứ, ta chấp nhận nó, ta cười để quá khứ nặng nề nhẹ nhàng qua đi. Đúng là Huân đã cười. Những câu chuyện nhức nhối như chuyện chết đói năm 45, đói ăn, cô đồng, chuyện phong bì, chuyện tham nhũng, chuyện nghề báo… dưới ngòi bút của Huân chỉ làm ta thấy thật là hài. Thậm chí chuyện đồng nghiệp xấu, dốt, chuyện mẹo mực trong nghề, thiếu trung thực, đạo đức giả trong nghề báo… Huân kể cũng chỉ khiến ta cười, chứ không giận, không tức tối, lên án những gì đã qua, câu chuyện đã qua, con người đã qua. Và tôi nghĩ rằng đấy chính là cái tài, cái đáng yêu và đáng trân trọng của Trọng Huân. Anh đã nhìn cuộc sống bằng con mắt thật sự bao dung và nhân hậu.

Điều đặc biệt nữa trong tự truyện của Trọng Huân là anh không tự đặt mình ra ngoài, hay cao hơn những chuyện dở, chuyện xấu của thiên hạ. Khalin Jibran, nhà hiền triết Mỹ gốc Trung Đông nói, đại ý rằng, khi một kẻ bị xét xử, bạn không phải vô can. Huân cũng vậy. Anh cười mọi thứ, nhưng trên nhiều trang sách anh dám cười chính anh. Anh cười chú bé Huân ăn vụng, uống rượu vụng, cười anh nhà báo Huân chen chúc đi mua vé xe buýt bằng thẻ nhà báo chẳng kịp để ý đến cụ già bị kẻ cắp móc sạch bên cạnh, cười mẹo mực nghề báo mà anh cũng không thoát, cười chuyện luồn lách xây nhà, cười chuyện vợ chồng anh dạy con… Có lẽ chỉ có rất ít người viết dám ngầm đưa một cái thông điệp như anh: Cái khó làm méo mó con người, và là con người, Huân tôi ít nhiều cũng thế!

Trọng Huân dành nhiều trang để viết về nghề báo và đồng nghiệp. Đây quả thực là một lĩnh vực đầy rẫy chuyện bi hài mà người ta khó mà nói tốt về nhau. Nhưng ngay cả ở đây, Trọng Huân vẫn giữ cái nguyên tắc, hay đúng hơn là cái chất của anh: Chỉ cảm nhận sự việc, chỉ kể chuyện, không lên án, không phán xét, không trách móc, bất quá chỉ là “thôi dơ quá, nói chuyện khác đi”.

Khi mà hồi ký và các loại tự truyện xuất hiện ngày càng nhiều, và ở những kẻ công thần, hầu hết đều vô tình hay hữu ý được PR bằng mấy chi tiết kết án, hay kể xấu một, hay nhiều người có tiếng nào đó để thu hút sự chú ý của bạn đọc, “Bụi vết thời gian” của Trọng Huân xuất hiện thật thanh khiết, khiêm tốn, như tự viết cho mình, đôn hậu, chân thành, không một lời oán trách, đầy nhân ái và hài hước. Nhưng với người đọc, chính đó là điều đã tạo nên giá trị thật của “Bụi vết tháng năm” của Trọng Huân.

Người giới thiệu: Nguyễn Điệp Hoa

PS: Sách có bán tại Gigabook - nhà sách online (www.gigabook.vn) và các nhà sách trên toàn quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét