Tìm kiếm

Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

Vô tri

Nơi ngộ nhận bắt đầu

Người ta, thông thường, có những lúc đã nghĩ họ gắn nối với nhau bởi đã có cùng những trải nghiệm ư? “Chính đó là nơi sự ngộ nhận bắt đầu” (tr.134). Milan Kundera giải thích tình thế ấy bằng một lập luận giản đơn nghiệt ngã về cái logic giản đơn và nghiệt ngã của sự khác biệt giữa các tâm trí con người, sự khác biệt “bất bình đẳng bất công và gây phẫn nộ” (tr.135).

Nói là giản đơn vẫn không đầy đủ: đấy là lời giải thích của sự sáng suốt mang tính chất toán học, mà vẻ đẹp chính xác đến từng từ chặt chẽ minh bạch của văn thể không cho phép tranh cãi: đừng có ngộ nhận!

Vô tri là một biện luận nghịch thường làm phát lộ tình thế ngộ nhận tràn lan từ thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, và xa hơn nữa về cả hai phía thời gian.

Nhưng đó không phải là sự Ngộ nhận mà Albert Camus cáo giác năm 1944, không còn chỉ là một cảm thức về tình trạng vô nghĩa đến “phi lý” của cái quen được gọi là số phận, cái phạm trù mơ hồ độc nhất về Tồn tại.

Milan Kundera loại bỏ những kích thước có vẻ siêu hình của tình thế ngộ nhận, hay nói đúng hơn, thay cái tầm vóc siêu hình truyền thống đã kết thúc với triết học về Tồn tại bằng các viễn tượng hậu-Kafka của tầm nhìn về nhân vị - một phiên bản muộn của “thân phận con người”.

Hay có lẽ là một phiên bản cuối thế kỷ hòa trộn cả sự lần mò trong tăm tối của Lâu đài lẫn sự luẩn quẩn mênh mông củaUlysse - dĩ nhiên đã mang phong cách Milan Kundera: thế giới trở nên chật hẹp hay con người trở thành nhỏ bé không phải vì nó chật hẹp hay nhỏ bé, mà bởi nó trở thành hữu hạn, ngay cả và nhất là những sự vĩ đại hữu hạn mà tình thế ngộ nhận cho nó thành lớn lao vô hạn.

Ulysse, người anh hùng huyền thoại của Odyssée, vào đoạn cuối hành trình phiêu lưu từ Troie trở về Ithaque quê hương sau hai mươi năm xa cách, đã dạt vào hòn đảo của nữ thần Calypso, dạt vào bẫy tình mặn nồng vô lo đầy lạc thú sẵn sàng lưu giữ hầu hạ chàng mãi mãi, thế nhưng Ulysse vẫn dứt áo - “chàng đã chọn cuộc trở về. Chàng đã thích tôn sùng cái biết (cuộc trở về) hơn là sự khám phá đầy say mê cái không biết (cuộc phiêu lưu). Chàng đã thích cái hữu hạn (bởi cuộc trở về cũng chính là hòa giải với tính chất hữu hạn của cuộc đời) hơn là cái vô hạn (bởi cuộc phiêu lưu không bao giờ có chiều hướng kết thúc)” (tr.10-11).

Chàng đã chọn cái luân lý tình cảm nền tảng của nhân vị: lòng thủy chung, mối giao cảm bền vững cốt yếu của một thiết chế cốt yếu - hôn nhân - hơn là vị thế dan díu với thế giới chư thần.

Nhưng hãy khoan đặt cược vào một kết luận từ đoạn ngụy biện tinh xảo này.

Kundera sẽ cho thấy một tình huống lặp lại huyền thoại: nhân vật Gustaf, người chồng Thụy Điển của nhân vật Irena dân Séc nhập cư ở Pháp, khi cùng Irena làm “Cuộc Trở Về Vĩ Đại” (tr.7), trở về Prague sau “Cách mạng Nhung” 1989, đã rơi vào cuộc dan díu với nhân vật bà mẹ vợ, với lời hứa từ bà nhân tình mới này: “Anh có thể khi nào anh muốn… Với tôi, anh được tự do” (tr.201); và thế là anh thấy niềm sung sướng bình yên “mà anh chưa bao giờ có được: tình yêu-nghỉ ngơi; tình yêu-lãng quên; tình yêu-đào thoát; tình yêu-vô lo; tình yêu-vô nghĩa lý” (tr.203).

Nhân vật Gustaf đã tìm được lối đến Lâu đài ư? Hay huyền thoại đã suy đồi trở về nhân tính? Hay, đơn giản, đó chưa phải là thí dụ cuối cùng về ngộ nhận…

Ulysse của James Joyce làm lại cuộc phiêu lưu vĩ đại chỉ trong một ngày và trong một căn nhà: thế giới không chỉ hữu hạn mà còn khép kín, nhưng ba người trên một con tàu đó mang cả thế giới trong mình.

Ulysse trong Vô tri chỉ còn là một bên đối thoại của Kundera và các nhân vật của ông: cuộc phiêu lưu vĩ đại đã chấm dứt, bây giờ là “Cuộc Trở Về Vĩ Đại”; mà xét trên phương diện thực tiễn cuộc phiêu lưu đó chính là cuộc-trở-về, vì nó không có mục đích nào khác.

Đối thoại dựng lên trên cái mục đích có vẻ hiển nhiên đó, và trên cái câu trả lời có vẻ hiển nhiên: đứa con trai lưu lạc trở về…, người đàn ông trở về với người vợ thân yêu…, ngôi nhà tuổi thơ…, sau những năm lang thang… (tr.7), tóm lại, người ta trở về với những mối giao cảm nền tảng và bền vững nhất, cái tạo nên thân phận và trước hết là tạo nên con người.

Cần một chút lưu ý: dịch giả đã đưa một khái niệm có tính mô tả về việc những nhân vật người Séc ở đây bỏ ra nước ngoài sau sự kiện 1968, đó là “xuất cư” - chữ “xuất” có thể mang hàm nghĩa: bị ra đi bắt buộc; và như vậy, đối sánh với “trở về”, ta thấy rằng kẻ “xuất cư” trở nên “lưu vong”: bị chia cắt, tan rã, mất bản thể.

Vậy thì “trở về” tái ngộ?

Kundera hỏi đến một bên đối thoại khác: chính là Ngôn ngữ. Bởi chính ngôn từ và chỉ có ngôn từ mới mô tả được các mối giao cảm, làm cho chúng hiện diện.

Và ông chỉ ra chỗ sợi mà nàng Pénélope chung thủy giấu đi để che mắt bọn cầu hôn: trong tiếng Hy Lạp thì “trở về” và “đau đớn” tạo nên”hoài nhớ”, và “hoài nhớ” của người Tây Ban Nha là một phái sinh từ “bất tri” của tiếng Latinh; vậy là “Dưới ánh sáng của từ nguyên học, hoài nhớ trông như thể là sự đau đớn của vô tri. Em ở xa, anh không biết em đã ra sao. Quê tôi xa quá, tôi không biết chuyện gì đang xảy ra ở đó” (tr.8).

Vậy thì “trở về” tái ngộ?

Và đấy là câu chuyện của bên đối thoại chính: hai nhân vật người Séc đã xuất cư sang Pháp và Đan Mạch, (một anh chàng Thụy Điển cũng xuất cư nhưng để trốn cảnh gia đình), và những nhân vật người thân, bạn bè của họ - những người vẫn ở lại, những người có vẻ sẽ là những nàng Pénélope, những con chó già, những tấm áo dệt hoài chưa xong suốt hai mươi năm vẫn chờ đón họ.

Nhưng đón họ là bộ mặt khác của vô tri: bạn bè, người thân, tất cả đều không hỏi han về chuyện họ đã làm gì, đã sống ra sao. Nhân vật Irena: tôi đã quên mất họ là ai; họ thì không quan tâm tôi đã trở thành người như thế nào (tr.179); nhân vật Josef trở về ngôi nhà gia đình cũ, gặp vợ chồng người anh ruột, thấy rằng: với họ anh không tồn tại nữa, anh là một người chết không có tên trên bia mộ (tr.56).

Thiên sử thi về “Cuộc Trở Về Vĩ Đại” tan vỡ vào những cảnh cô độc, một cuộc lưu vong tiếp tục, một cuộc lưu vong tại chỗ; nàng Pénélope-châu Âu đã già rồi, đầy thành kiến.

Và đầy ngộ nhận. Cả từ phía chàng Ulysse vừa thức dậy, trên bờ biển Ithaque quê hương.

Bởi, có lẽ, ít nhất là, họ đã trải nghiệm hai-mươi-năm-chia-rẽ vừa qua một cách khác nhau, rất khác biệt.

Bên đối thoại nữa của Vô tri là Thời gian. Lại vẫn không phải cái thời gian như là chiều kích của Tồn tại: chuyện siêu hình đó thuộc về “những sinh quyển quá cao” (tr.155).

Milan Kundera chọn nói với Arnold Schoenberg, Trường phái Vienne, những chuỗi âm bán cung phá bỏ cân bằng… nhưng không phải để nói về âm nhạc.

Mà dường như bởi âm nhạc là thứ nghệ thuật thời tính cao nhất, là một nền tảng văn hóa đặc trưng Âu châu nhất, cũng như sử thi Odyssée, và trong cái thế kỷ vừa trôi đi thì Schoenberg là người đã vượt lên thời đại mình xa nhất.

Như là mang bóng dáng của một nhà tiên tri: “Năm 1921, Schoenberg tuyên bố rằng, nhờ ông, âm nhạc Đức trong một trăm năm sắp tới vẫn sẽ là bá chủ thế giới” (tr.154). Thế nhưng, âm nhạc của ông trở nên thịnh hành chỉ trong hai thập niên sau khi ông mất năm 1951, “sau đó nữa nó rời khỏi các phòng hòa nhạc và khỏi ký ức.” - Tại sao? - “Schoenberg không hề tự đánh giá mình quá cao. Ông đã đánh giá tương lai quá cao” (tr.155) - Đó có thể là một cách nói: ông đánh giá thời gian quá thấp - Không phải vì một sai lầm trong tư duy, mà vì tư duy “dù có trí tuệ tới đâu… vẫn luôn luôn là thiển cận đối với những điều, không có lý do cũng không lôgic, diễn ra ở phía dưới…” (tr.155).

Ngộ nhận, vẫn không tránh được.

Đó là một nghịch biện, bởi lẽ trong tác phẩm của Milan Kundera, trong cuộc đối thoại của ông với hư vô cũng như với các cuốn sách khác, các nhân vật, thì logic không bao giờ vắng mặt lấy mảy may.

Sự sáng suốt không đem lại gì ngoài nỗi đau. Kundera nói với cố nhà thơ Sec nổi tiếng Jan Skacel rằng ông đã nhầm lẫn khi nói tới một nỗi buồn về đất nước bị “Đế quốc Phương Đông” thâu tóm, một nỗi buồn mà nhà thơ định dựng thành một túp lều và tự nhốt mình vào đó ba trăm năm “không mở cửa cho ai hết” - “Skacel viết những câu thơ ấy trong những năm bảy mươi và chết vào năm 1989, mùa thu” ngay trước khi nền lệ thuộc tan biến. “Mọi dự đoán đều nhầm lẫn, đó là một trong những điều chắc chắn hiếm hoi mà con người có được” (tr.15) - Kundera bảo, người ta chỉ có thể chắc chắn về hiện tại nơi bản thân mình mà thôi.

Nhưng khi cân nhắc lại lần cuối trong cuốn sách này chủ đề Thời gian với Skacel, Schoenberg và Igor Stravinski, Kundera đi đến một kết luận rằng đã không biết tương lai thì cũng không thể nói là biết được hiện tại: “Bởi vì làm cách nào mà người không biết tương lai lại có thể hiểu được ý nghĩa của hiện tại?”… (tr.154).



Một thế giới được mệnh danh là “Thế giới của Kafka” chỉ vừa mới qua đi.

Milan Kundera không thấy có chàng Ulysse nào trở về từ cuộc chiến Troie đó, mà ông gọi là “thế chiến thứ ba” (tr.12). “Cuộc Trở Về Vĩ Đại”, hiểu theo nghĩa nào, mới hay cũ, cũng chỉ là một Nỗi Hoài Nhớ Vĩ Đại - một trùng ngôn kiểu Kundera. Và khi chuyển vị cái vô tri về tương lai thành cái vô tri về hiện tại (mà như vậy, quá khứ cũng rơi vào trùng ngôn về Hoài nhớ), như vừa trích ở trên, ta đã thấy một thế giới hậu-Kafka ở ngay trước mặt.

Nguyễn Chí Hoan

PS: Sách có bán tại nhà sách trực tuyến Gigabook (www.gigabook.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét